Ba Tri là một trong những huyện đầu tiên triển khai Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre), tập trung ở các xã An Đức, An Hiệp, Bảo Thuận, Bảo Thạnh, An Ngãi Tây, Vĩnh Hòa, An Thủy và Tân Hưng. Đến nay, sau gần 5 năm thực hiện, kinh tế hộ của các gia đình trong Dự án đã phát triển khá, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận thị trường, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhằm thoát nghèo bền vững.
Đàn heo con của gia đình anh Lê Văn Nô - mô hình hỗ trợ con giống.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - chuyên viên hỗ trợ thị trường Văn phòng Dự án DBRP huyện Ba Tri, phát triển dịch vụ kinh doanh nông thôn và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho người nghèo là hai nội dung quan trọng được huyện tập trung. Các lớp tập huấn, các chuyến tham quan mô hình thực tế cho thấy, cần có mô hình cụ thể, đạt hiệu quả để tác động trực tiếp đến người dân.
Tổ nuôi bò do Hội Phụ nữ xã An Hiệp quản lý đã có từ trước, nhưng từ khi có sự trợ lực của dự án, cơ hội tiếp cận với nguồn vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật trở thành nhịp nối quan trọng để chị em nơi đây có thêm cơ hội thoát nghèo. Chị Huỳnh Thị Pha - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã nói: “Có đi thực tế, chị em mới rút ra được kinh nghiệm và mạnh dạn hơn trong đầu tư, sản xuất. Chị em được học cách làm thế nào để sử dụng vốn khoa học hơn. Từ đó, các tổ, nhóm được thành lập phối hợp, hỗ trợ nhau; biết tận dụng đất bìa, chéo để trồng cỏ; thuê đất để trồng lúa lấy rơm”. Chỉ tính riêng trong năm 2011, An Hiệp có 8 hộ trong tổ nuôi bò thoát nghèo.
Một mô hình khác đang được Ba Tri nhân rộng là hỗ trợ con giống để cùng nhau thoát nghèo. An Ngãi Tây được chọn khởi điểm thực hiện mô hình này, từ cuối năm 2010. Theo đó, có 9 hộ nghèo được chọn và 2 hộ đầu tiên trong số này được hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để mua 2 con heo cái giống và xây chuồng trại. Sau khi heo giống đẻ, hộ nhận heo đầu tiên có trách nhiệm giao 2 con heo cái giống (heo con) cho hộ tiếp theo. Cứ như vậy, vòng quay này cứ tiếp tục và số hộ nghèo được nhận 2 con heo giống sẽ ngày càng nhiều hơn theo thời gian. Sau thời gian xoay vòng, đến nay có 6 hộ được chuyển giao heo giống và 2 hộ trong số này đã thoát nghèo. Gia đình anh Lê Văn Nô là hộ đầu tiên được hỗ trợ heo giống và nay đã thoát nghèo. Anh Nô chia sẻ, gia đình anh chỉ có 1 công đất, 4 nhân khẩu. Quanh năm quần quật, anh phải làm thuê làm mướn nhưng phải dè sẻn lắm mới đủ chi tiêu hàng ngày. Với gia đình anh, để có đủ số tiền 15 triệu đồng mua 2 heo giống và xây chuồng là điều không tưởng. Bây giờ, mỗi con heo nái đã đẻ được 2 lứa heo với trên 40 con, gia đình anh đã thật sự thoát nghèo.
Đầu tư dài hơi hơn trong thời gian qua là mô hình hỗ trợ trồng giống lúa cao sản. Cho đến bây giờ, trồng lúa vẫn là thế mạnh của nông dân Ba Tri. Trong vụ Mùa 2011, Dự án DBRP đã phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre và Viện Nghiên cứu và Phát triển đồng bằng sông Cửu Long tổ chức các khóa tập huấn “Tăng cường kỹ năng chọn tạo và nhân giống lúa cho nông hộ nghèo” tại xã An Hiệp và An Đức. Mục tiêu là giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất giống lúa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ cho nhu cầu sản xuất tại chỗ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa. Đặc biệt, các lớp tập huấn này được học theo phương pháp “Trường học trên đồng ruộng của nông dân”. Mỗi tuần 1 buổi, nông dân được học xuyên suốt trong 1 vụ lúa. 16 chuyên đề về các lĩnh vực: chính sách quản lý giống cây trồng, kỹ thuật sản xuất lúa giống, kỹ năng chọn - tạo giống lúa và đặc biệt là kinh doanh giống lúa, các học viên là nông dân được hướng dẫn cách theo dõi trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa. Nhờ vậy, nông dân nắm rõ và áp dụng kỹ thuật vào thực tế một cách bài bản và thiết thực hơn. Hiện tại, nhiều nông hộ ở hai xã này và các xã lân cận đang tiếp tục mở rộng diện tích lúa bằng loại giống chất lượng cũng như cách chăm sóc khoa học và hiệu quả hơn.
Tiếp tục xây dựng mô hình có hiệu quả để nhân rộng ra các vùng khác có cùng điều kiện là một trong những hoạt động chủ yếu mà Ba Tri hướng đến. Ông Lê Văn Nhứt - Trưởng Văn phòng Dự án DBRP Ba Tri khẳng định, qua 4 năm thực hiện Dự án DBRP, Ba Tri đã cơ bản đạt mục tiêu tổng quát của dự án là giảm nghèo bền vững cho người nghèo nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.